Với sự tiến bộ của công nghệ phần cứng thì không quá khó để game thủ có thể bắt gặp những con quái vật khổng lồ, nhìn vô là bao choáng ngợp. Chúng có thể nuốt chửng nhân vật chính dễ như trở bàn tay, nhưng đôi lúc đấy lại là cơ hội cho chúng ta đánh bại những con quái vật này bằng cách tấn công từ bên trong, phá hủy nội tạng của nó. Sau đây là danh sách top 10 tựa game cho bạn phiêu lưu trong bụng quái thú khổng lồ.
Jörmungandr – God Of War
Nếu nói đến mấy con quái vật siêu to trong game thì con cự mãng Jörmungandr trong God Of War phải thuộc top đầu.
Trong lúc chuẩn bị chiến đấu với Thor khi tận thế Ragnarök sắp đến thì Jörmungandr có lẽ là kẻ thù khủng khiếp nhất mà Kratos từng phải đối mặt. May mắn thay là nó không chọn làm thế. Trong lần “ra mắt” đầu tiên thì con rắn siêu to khổng lồ này đã nhai đầu một bức tượng của thần Thor, vô tình nuốt luôn vật phẩm “con mắt của Mirmir” mà Kratos và Atreus cần. Thế là 2 cha con phải phải vào bụng nó để tìm kiếm.
Điều bất ngờ đối phi vụ này là Jörmungandr không bị xé thành từng mảnh sau vụ này, có lẽ là bởi thái độ ngoan ngoãn của nó khi mở mồm cho Kratos vào trong. Bên trong cơ thể của nó cũng không đóng vai trò như một cái dungeon. Cuộc gặp gỡ này có thể xem là tương đối yên bình.
Nexus – Dead Space 3
Dead Space 3 có thể không được yêu thích nhiều như 2 phần game đầu, chủ yếu là giảm sự kinh dị để tăng yếu tố hành động. Tuy nhiên ít nhất thì nó vẫn giữ đúng được một trong điểm mấu chốt làm nên thương hiệu của dòng game, đó là anh chàng Isaac Clarke luôn phải lết qua mấy đống nội tạng bầy nhầy của bọn Necromorph.
Nexus-001 là một con quái vật khổng lồ, xém tí nữa là nó đã ăn thịt được Isaac và Carver rồi. Tuy nhiên nó lại phạm phải một sai lầm không thể nào ngớ ngẩn hơn, đó là nuốt 2 con “hooman” cầm súng. Thế là cuối cùng Isaac và Carver cũng tiêu diệt được con quái ngáo ngơ này bằng cách bắn vào các hạch thần kinh trong dạ dày của nó.
Nghe thì có thể hơi gớm chút nhưng mà đối với một tựa game như Dead Space thì đó chỉ là chuyện thường ngày.
Riftworm – Gears Of War 2
Gears of War là một dòng game rất bạo lực với những thứ như máu me, ruột gan phèo phổi luôn bay lung tung khắp nơi. Thế nên cũng không lạ gì khi trong Gears Of War 2 có nhiệm vụ quẩy tung ổ bụng con Riftworm.
Trong một lần rút quân, con quái siêu to khổng lồ dài hơn một cây số rưỡi này đã xuất hiện và nuốt nguyên chiếc trực thăng Raven King đang chở đội Delta-One. Với nhân vật cầm đầu là ông thần Marcus Fenix thì đương nhiên là cả bọn sẽ thoát ra ngoài bằng một cách siêu bạo lực, đó là phá hủy trái tim của Riftworm, giết nó từ bên trong rồi dùng cưa máy để khoét lỗ để chui ra ngoài.
Đương nhiên là việc giết con quái này cũng không quá suôn sẻ. Bên trong nó không chỉ thẳng tuột mà còn có cả một hệ thống tiêu hóa với những cái răng nghiền khổng lồ và một số thứ phiền phức khác nữa. Nó cũng có nhiều trái tim chứ không chỉ một. Tuy nhiên sau khi quẩy banh xác con Riftworm thì cả bọn cũng thoát ra ngoài được, chỉ là dính hơi nhiều máu và nhớt của nó thôi.
The Great Deku Tree – The Legend of Zelda: Ocarina of Time
Đối với nhiều game thủ thì The Legend of Zelda: Ocarina of Time là tựa game Zelda hay nhất, nếu không muốn nói là một trong những trò hay nhất mọi thời đại. Game có rất nhiều cảnh ấn tượng, nhưng Great Deku Tree là một trong số những yếu tố khiến người chơi nhớ mãi không quên. Đây là thần hộ vệ của cả một khu rừng, nhưng vì bên trong thân cây đang bị mục rữa nên người chơi sẽ phải chui vào trong để tiêu diệt mối nguy hại này giúp Great Deku Tree.
Bên trong là một màn chơi pha trộn giữa yếu tố giải đố và combat. Bạn sẽ phải leo trèo rất nhiều, đi qua những khu vực tối tăm đầy đáng sợ. Và khi tiêu diệt được Queen Gohma thì đó cũng là lúc Deku Tree phải hi sinh, tạo ra một khung cảnh vô cùng cảm động khiến biết bao game thủ rơi lệ.
The Leviathan – Borderlands 2
Con quái vật Leviathan trong Borderlands 2 có thể không nổi bật cho lắm, nhưng phải công nhận là nó bự tổ chảng các bạn ạ. Nó không xuất hiện trong cốt truyện chính mà đây là con trùm cuối trong bản DLC Captain Scarlett and Her Pirate’s Booty. Đây là phiên bản khổng lồ của con giun Sand Worm thường hay bắt gặp tại khu vực Oasis, và Leviathan cũng là con quái vật ngăn cản bạn đến với kho báu của Captain Blade.
Sau khi Scarlett tiết lộ kế hoạch giết hết tất cả Vault Hunter và chiếm lấy kho báu cho riêng mình, con Leviathan đã nuốt chửng cô ta cùng với người chơi khi cả 2 đang đua nhau tiến tới kho báu. Khi ở trong bụng, bạn sẽ phải chiến đấu với Scarlett và con thú cưng Roscoe của cô ta. Sau khi giành chiến thắng thì bạn sẽ bị phun ra và rơi vào một khu vực đấu trùm.
Leviathan là con trùm rất cứng đầu, nhưng vì kích thước nó lớn và có thể thấy rõ những điểm yếu của nó nên cũng không quá khó để đánh bại nó. Sau khi đánh bại con trùm này thì chúng ta mới có thể tiến đến kho báu. Tuy thời gian nằm trong bụng Leviathan không quá lâu nhưng đây vẫn là một trải nghiệm rất khó quên đối với game thủ.
Sin – Final Fantasy X
Có thể nói trong Final Fantasy X, Inside Sin là một trong những con quái vật đáng sợ nhất. Nó rất to và đầy ám ảnh, luôn đe dọa sẽ xóa sổ toàn bộ Spira. Tidus cùng những người bạn đã chui vào bụng con này để tìm cách đánh bại nó, sau khi Yuna từ chối kế hoạch Final Aeon ban đầu.
Bên trong, nhóm nhân vật này sẽ phải đối mặt với Seymour Guado một lần nữa trước khi tiếp tục hành trình đánh bại hàng loạt con quái thú khác đang làm vật chủ cho Yu Yevon. Sau khi đánh bại Yu Yevon thì coi như Sin cũng “tới số” luôn, vì đây là sinh vật đã tạo ra Sin.
Insidious – Bayonetta 2
Trong Bayonetta 2, Umbra Witch sẽ phải chiến đấu với rất nhiều ma quỷ và thiên thần. Một trong số đó là con Insidious khổng lồ khét tiếng. Trong những màn đầu thì nhân vật chính có thấy con quái vật này rồi, nhưng phải đến những màn sau thì nhân vật chính của chúng ta mới được đụng độ với nó.
Ở chương 7, sau khi bị con Insidious nuốt vào bụng thì game thủ sẽ được thấy một khu vực bên trong khá là mềm mại, có màu tím hồng, nhìn cũng không đến nỗi quá tệ. Tuy nhiên, đến lúc đối đầu với Masked Lumen thì khung cảnh mới bắt đầu trở nên đẫm máu và ghê sợ hơn. Những chiêu thức liên tục được tung ra, dần dần phá hủy bên trong Insidious để rồi cuối cùng khiến nó nổ tung.
The Womb (bào thai) – The Binding Of Isaac
The Binding Of Issac là một tựa game dù không có đồ họa đặc sắc nhưng bù lại tựa game này có… đầy những cảnh máu me và những con quái vật dị hợm, cũng như là một số hình ảnh có phần đen tối. Và chương thể hiện rõ yếu tố này nhất chính là chương “The Womb” (tạm dịch bào thai).
Người chơi chỉ có thể bắt đầu hương “The Womb” sau khi tiêu diệt được kẻ phản diện “Mom” – người mẹ. Đương nhiên nói đến đây thì ai cũng biết được ý đồ của nhà làm game là gì khi đặt chương này ngay sau khi game thủ tiêu diệt được “Mom”, hay nói một cách dễ hiểu hơn là chúng ta sẽ đi tới cái bào thai đó. Nếu bạn nào đã từng chơi qua tựa game này rồi thì chắc cũng đồng quan điểm với mình rằng chương “The Womb” mang lại một trải nghiệm khá khó chịu.
Một phần là vì con trùm trong khu vực “The Womb” không chỉ có ngoại hình tởm lợm là một con mắt cứ nhìn mình đau đáu vào mình và một cái chân cơ thịt nổi tùm lum cứ dậm liên tục xuống đất. Đó là còn chưa kể bạn sẽ nghe thấy tiếng hét liên hồi của con trùm nữa. Bên trong “The Womb” cũng sẽ có một số con quái nguy hiểm có hành động khiến người chơi khó đoán, và đương nhiên mức độ nguy hiểm của nó còn hơn cả những con quái mà bạn gặp ở chương trước.
Con rồng nước – Okami
Nếu nói về một tựa game có sự tương phản hoàn hảo với những hình ảnh tởm lợm của The Binding Of Issac thì không ai khác ngoài Okami. Đây là một tựa game phiêu lưu ra mắt từ năm 2006 của Clover Studio, sử dụng phong cách màu nước mờ ảo tuyệt đẹp để tạo sự phù hợp với bối cảnh thần thoại Nhật Bản mà game đang nhắm tới.
Game xoay quanh nhân vật Amaterasu, một vị thần mặt trời trong hình dạng một con sói đang trên đường xóa bỏ một lời nguyền ma quỷ đã lan khắp Nippon. Người chơi sẽ gặp gỡ nhiều sinh vật huyền thoại khác nhau trên đường đi thông qua nhiệm vụ The Legend of Zelda-esque, và một trong số sinh vật huyền thoại đó chính là một con rồng nước kiêm người bảo vệ của Dragonians.
Do bị ảnh hưởng bởi lời nguyền, rồng nước trở thành một mối nguy hiểm đe dọa tới tính mạng của Amaterasu. Do đó, vị thần này đã phải chui vào bên trong chính miện của con thú này để tìm kiếm vật thể bí ẩn có tên là Dragon Orb. Khác với những gì mà bạn tưởng tượng, bên trong con rồng nước này lại là một trong những khu vực đẹp nhất của tựa game. Một hầm ngục kết tinh cực lấp lánh và… đầy nước kết hợp với những âm thanh nhẹ nhàng khiến cho không gian này trở nên tuyệt vời hơn bao giờ hết.
Bowser – Mario & Luigi: Bowser’s Inside Story
Dù Mario và Bowser là 2 kẻ thù không đội trời chung với nhau, nhưng cũng có những lần cặp đôi này đành phải ngậm ngùi đồng ý hợp tác để cùng nhau chống lại một mối đe dọa khác khủng khiếp hơn. Ví dụ như trong phần game Super Mario RPG: Legend Of The Seven Star chẳng hạn.
Tuy nhiên, không giống với Super Mario RPG, tựa game Mario & Luigi: Bowser” Inside Story thậm chí còn đưa câu chuyện này đi xa hơn nữa. Mới đầu thì Mario, Luigi và Bowser phối hợp với nhau để tiêu diệt kẻ phản diện Fawful, nhưng về sau thì Mario và Luigi mới phát hiện ra rằng một người anh em của Mario đang bị nhốt bên trong Bowser.
Nguyên nhân là do trước kia Bowser bị Fawful lừa cho ăn một “Vacuum Shroom”, và Bowser đã dùng sức mạnh này để hút tất cả mọi người vào trong người hắn, tuy nhiên đổi lại thì Bowser bị mất trí nhớ và không biết rằng mình đã hút người anh trai của Mario, và thế là Mario và Luigi phải thu nhỏ người mình lại để chui vào trong người của Bowser. Gameplay được chia ra thành 2 màn hình và người chơi có thể chuyển đổi qua lại giữa góc nhìn của Bowser ở màn hình trên cùng, và góc nhìn của Mario và Luigi ở màn hình bên dưới.
Nguồn: What Cutlure
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!
Xem Chi Tiết Ở Đây >>>
Bạn có thể quan tâm:
>> Top những món đồ chơi công nghệ được ưa chuộng nhất
>> Loạt món đồ công nghệ tiện ích nâng đẳng cấp ngôi nhà của bạn
>> Phụ kiện Hi-tech - Cập nhật các sản phẩm phụ kiện điện thoại
0 Nhận xét